Với 9 bài giảng lý thuyết, 10 bài giảng thực hành từ các chuyên gia quốc tế, hội thảo chuyên đề “Quản lý đường thở khó và gây tê vùng ở trẻ em” do Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức từ ngày 22/3 – 23/3/2025, đã giúp các y bác sĩ trên cả nước cập nhật kiến thức và các kỹ thuật cao trong lĩnh vực gây mê hồi sức.
Thực tế cho thấy, một trong những biến chứng lớn nhất trong quá trình gây mê chính là không quản lý được đường thở. Việc này có thể khiến người bệnh gặp tình trạng nguy kịch hoặc tổn thương không hồi phục hệ thần kinh trung ương. Với những ca bệnh thông thường, đặt nội khí quản trong quá trình gây mê là thao tác thường quy. Tuy nhiên, đối với những ca bệnh có đường thở khó, nhiều bệnh nền hoặc trong tình trạng cấp cứu, nguy cơ xảy ra biến chứng rất cao nếu bác sĩ không phân loại đúng và có phương án xử lý kịp thời.
Gây tê vùng hay còn gọi là phong bế thần kinh, là phương pháp đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong y học hiện đại, giúp đảm bảo an toàn, giảm đau kéo dài trong và sau phẫu thuật cho người bệnh, đồng thời, góp phần giảm chi phí điều trị và thời gian nằm viện.
Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các y bác sĩ gây mê hồi sức Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện Nhi, Sản – Nhi, bệnh viện đa khoa trên toàn quốc, dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại chương trình, GS Maria Matuszczak – Trung tâm Khoa học Y tế, Đại học Texas, Hoa Kỳ, cùng các chuyên gia đã cung cấp các bài giảng chất lượng về quản lý đường thở khó và gây tê vùng với tính ứng dụng lâm sàng cao như:
- Chiến lược xử lý đường thở khó.
- Các tình huống đường thở khó ở trẻ em, biến chứng và kỹ thuật đặt nội khí quản.
- Quản lý cơn đau cấp ở trẻ em.
- Biến chứng của gây tê vùng.
- Kỹ thuật gây tê vùng chi trên, chi dưới, gây tê thân mình và gây tê vùng nâng cao.

Để các bác sĩ có thể tiếp thu kiến thức, kỹ năng một cách trực quan nhất và nâng cao năng lực làm việc nhóm, giải quyết các tình huống lâm sàng một cách thành thạo, tại các bài giảng thực hành, học viên được chia thành các nhóm luân phiên thực hiện các kỹ thuật xử lý đường thở khó và gây tê vùng trên mô hình như:
- Nội soi thanh quản bằng video.
- Đặt nội khí quản bằng nội soi ống mềm.
- Siêu âm đường thở.
- Gây tê phần xa chi trên, chi dưới, phần thân.
- Đặt catheter.
- Gây tê trục thần kinh.

Qua hội thảo, các bác sĩ gây mê hồi sức Nhi khoa đã có cơ hội tiếp cận và cập nhật các kỹ thuật mới, từ đó tự tin ứng dụng chiến lược quản lý đường thở khó và gây tê vùng vào thực tiễn lâm sàng, góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhi.

Phòng Thông tin điện tử – Viện ĐT&NCSKTE