Hiện nay, ước tính có 850 triệu người trên thế giới hiện mắc các bệnh lý về thận do các nguyên nhân khác nhau, gấp đôi số lượng bệnh nhân đái tháo đường và gấp 20 lần so với bệnh ung thư. Các vấn đề về thận ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe toàn cầu, đặc biệt là sức khỏe của trẻ em. Ở các nước đang phát triển, hàng triệu người – hầu hết là trẻ em – tử vong mỗi năm vì những căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được như các bệnh lý về thận.
Chính vì vậy, việc phát triển các kỹ năng và kiến thức về thận học cơ bản là điều cần thiết để cải thiện việc chăm sóc sức khỏe trẻ em trên toàn cầu. Tăng cường đào tạo về thận học cơ bản và chia sẻ kiến thức tốt hơn về các nghiên cứu cập nhật là chìa khóa để xây dựng các giải pháp dài hạn trong lĩnh vực y tế, là nền tảng để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc bệnh thận ở trẻ em Việt Nam.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các phác đồ điều trị, các kỹ thuật như lọc màng bụng, thận nhân tạo, ghép thận,… được tiến hành như một kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện. Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện đã thực hiện ghép thận thành công cho 49 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân nhỏ tuổi có cân nặng thấp nhất là 12kg. Các bác sĩ tại bệnh viện đã làm chủ được kỹ thuật, làm thành thạo và chuyển giao được các kỹ thuật này cho nhiều bệnh viện, trung tâm y tế trên cả nước.
Hội Thận Nhi Thế giới đã đồng hành cùng Bệnh viện Nhi Trung ương hơn 15 năm trong các hoạt động đào tạo, khám chữa bệnh và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực thận nhi. Hội thảo “Các bệnh lý thận tiết niệu” nằm trong khuôn khổ Chương trình tập huấn của Hội Thận Nhi Thế giới phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương lần này.Những kiến thức chuyên môn về bệnh học Thận – Tiết niệu thu được từ bài giảng, chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành trên thế giới là vô cùng bổ ích với bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương nói riêng và các bác sĩ Nhi khoa cả nước nói chung.
Chuyên đề về bệnh lý tiết niệu vào tháng 3/2022: Bài Nhiễm trùng đường tiểu và Luồng trào ngược bàng quang niệu quản nguyên phát của Dr. Tej Matto với 124 lượt người tham dự đến từ 34 tỉnh thành; Bài Quản lý bệnh thận ứ nước và Tiếp cận chẩn đoán và quản lý của bệnh nang thận do Dr. Sabina Kennedy giảng với 174 lượt người tham dự; Bài Bàng quang thần kinh và Rối loạn chức năng bàng quang do Dr. Craig Peters giảng với 128 lượt người tham dự.
Chuyên đề về một số bệnh lý cầu thận tháng 5/2022 bao gồm 3 ngày giảng: Bài Viêm thận, viêm mạch IgA do BS. Stephanie Jernigan đến từ đại học Emory – Hoa Kỳ giảng; Bài Viêm mạch ANCA kết hợp với viêm cầu thận do BS. Erica Bjornstad đến từ Đại học Alabama – Hoa Kỳ giảng với sự tham dự của 156 người tham gia đến từ hơn 40 tỉnh thành trên cả nước; Bài giảng về Viêm cầu thận C3 do BS. Roshan George đến từ Đại học Emory – Hoa Kỳ và Bài Những bệnh nhân hội chứng thận hư khó điều trị do BS. Ankana Daga đến từ Bệnh viện trẻ em Boston – Hoa Kỳ giảng với 158 lượt người tham dự; và Bài giảng bệnh lý vi mạch huyết khối và viêm thận pulus do BS. Larry GreenBaum đến từ Đại học Emory – Hoa Kỳ giảng với sự tham dự của 162 lượt người.
Chuyên đề về một số bệnh lý cầu thận và ống thận vào tháng 7/2022: Bài Nhiễm toan ống thận do Dr. Dorey Glenn đến từ Đại học North Carolia giảng; Bài tổn thương thận cấp do Dr. Kim Reidy giảng với sự tham gia của 132 lượt người tham dự đến từ 38 tỉnh thành trên cả nước; Bài Hội chứng Bartter and Gitelman do Dr. Sabina Kennedy giảng; Bài Tăng huyết áp do Dr. Tammy Brady đến từ Đại học Johns Hopkins giảng với sự tham gia của 128 lượt người đến từ 35 tỉnh thành trên cả nước; Bài Đái tháo nhạt do thận của Dr. Nicole Hayde; Bài Hội chứng Goodpasture và bệnh kháng thể kháng mảng đáy cầu thận do Dr. Rouba Garro giảng.
Phát biểu bế mạc Hội thảo trực tuyến Chuyên đề Thận năm 2022, TS. BS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: “Với 18 bài giảng trong 3 chuyên đề chính của nhiều chuyên gia về Thận – Tiết niệu hàng đầu thế giới, hội thảo là dịp để các chuyên gia, thầy thuốc, cán bộ y tế trong nước giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề chuyên môn, đồng thời, đây cũng là cơ hội đề xuất giải pháp đưa thêm nhiều kỹ thuật tiên tiến của y học thế giới về Việt Nam.”
Qua kết quả thăm dò ý kiến học viên sau chương trình cho thấy 100% học viên hài lòng và đánh giá cao sự bổ ích của Hội thảo chuyên đề Thận năm 2020. Khóa học đã giúp nhiều y bác sĩ cả nước cập nhật được các kiến thức mới, rất hữu ích trong thực hành lâm sàng, giúp nhận diện và chẩn đoán nhóm bệnh khó, tăng hiệu quả chẩn đoán, điều trị khi áp dụng kiến thức các trường hộ lâm sàng vào thực tế. Từ đó, góp phần cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh tại các đơn vị. Các học viên cũng bày tỏ kì vọng Khoa Thận – Lọc máu, Trung tâm Chỉ đạo tuyến – Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ phối hợp với Hội Thận Nhi Thế giới tổ chức nhiều chương trình đào tạo hơn nữa trong tương lai.
Với vai trò là Trung tâm Nhi khoa lớn nhất cả nước, các thế hệ Giáo sư, bác sĩ, các nhà khoa học của Bệnh viện Nhi Trung ương luôn không ngừng nỗ lực cống hiến, học hỏi, tìm tòi để cập nhật các kỹ thuật tiên tiến nhất, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho trẻ mắc bệnh lý Thận – Tiết niệu nói riêng và chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Trà My – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu