Tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn tăng động giảm chú ý thay đổi tùy theo các nghiên cứu, ước tính từ 3-8%, lứa tuổi thường đi khám là 6-7 tuổi, trẻ trai có khả năng mắc cao gấp 3 lần trẻ gái.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo trực tuyến chủ đề “Quản lý và điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý” do khoa Tâm thần và Trung tâm chỉ đạo tuyến Nhi khoa – Bệnh Viện Nhi Trung ương phối hợp cùng Văn phòng đại diện Janssen Cilag Việt Nam tổ chức ngày 26/5.
Hội thảo trực tuyến với hơn 300 điểm cầu, thu hút sự tham gia của các bác sĩ, dược sĩ chuyên ngành Tâm thần Nhi khoa hiện đang công tác tại các bệnh viện trên cả nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, BS.CKII Thành Ngọc Minh, Trưởng Khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Tăng động giảm chú ý (viết tắt tiếng Anh là ADHD) là một rối loạn phát triển thần kinh thường gặp ở trẻ em, biểu hiện bằng những hành vi tăng hoạt động và giảm chú ý của trẻ nhiều hơn rõ rệt so với trẻ cùng tuổi và cùng giới. Nếu không được phát hiện sớm để điều trị, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống của trẻ sau này. Hội thảo là cơ hội để các bác sĩ cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị và quản lý trẻ mắc tăng động giảm chú ý.
Một số báo cáo được trình bày tại Hội thảo bao gồm: “Lựa chọn tối ưu trong điều trị ADHD tại Việt Nam hiện nay”, “Những thách thức trong điều trị ADHD”… và chia sẻ các ca bệnh lâm sàng. Theo đó, nhiều câu hỏi thực tế đã được đưa ra và thảo luận như “Cách thức chẩn đoán, điều trị và sử dụng thuốc đối với trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý” hay “Làm thế nào để quản lý mắc rối loạn tăng động giảm chú ý”.
Chia sẻ tại Hội thảo, Ths.Bs. Nguyễn Mai Hương, Phó trưởng khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay: Mỗi năm, khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 3000 lượt trẻ khám rối loạn tăng động giảm chú ý, chiếm gần 20% tổng lượt khám. Các biểu hiện đặc trưng của trẻ là khó khăn trong duy trì chú ý, chọn lọc chú ý, dẫn tới khó khăn trong hoàn thành trọn vẹn các nhiệm vụ, bài vở. Đồng thời trẻ hoạt động quá nhiều, thiếu kiềm chế, có tính xung động, bốc đồng nên dễ gây ra những căng thẳng trong quan hệ xã hội, hành vi không phù hợp, gây nguy hiểm cho bản thân và cho người khác.
Điều trị trẻ mắc ADHD cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các cán bộ y tế. Trẻ có thể cải thiện khi cha mẹ có các biện pháp quản lý hành vi, thái độ ứng xử tích cực, thực hiện những nguyên tắc dựa trên sự tôn trọng và hỗ trợ trẻ tối đa. Đồng thời trẻ có thể tham gia các khóa trị liệu chuyên sâu hoặc sử dụng thuốc.
“Nếu trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ có thể tham gia các hoạt động vui chơi và học tập phù hợp, phát huy được năng lực bản thân, có cuộc sống độc lập và hòa nhập tốt với xã hội” – Ths Hương khẳng định.
Vy Hiếu – Phòng Truyền thông và Chăm sóc khách hàng