Ngày 28/11, tại Bệnh viện Nhi Trung ương diễn ra Hội nghị Dược Bệnh viện Nhi Trung ương lần thứ nhất. Hội nghị nhằm chia sẻ những kinh nghiệm và trao đổi kiến thức về hoạt động dược tại các bệnh viện có chuyên khoa Nhi với sự tham gia của hơn 300 đại biểu đến từ 64 bệnh viện; 5 trường đại học; Cục Quản lý dược; Cục Quản lý khám chữa bệnh;…
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: trong những năm qua, Bệnh viện Nhi Trung ương luôn nỗ lực trong công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhi trên cả nước, đặc biệt là các ca bệnh khó, hiếm gặp và phức tạp ở trẻ em.
Khoa Dược – Bệnh viện Nhi Trung ương với đội ngũ gần 50 dược sĩ đại học và cao đẳng, đã tham gia vào nhiều hoạt động dược như: pha chế, bảo quản và cấp phát, dược lâm sàng, cung cấp các thông tin thuốc hỗ trợ cho các bác sĩ lựa chọn thuốc tối ưu, phát hiện theo dõi và xử lý những biến cố bất lợi do thuốc trên người bệnh.
Trong hơn 50 năm hình thành, khoa đã có những bước phát triển quan trọng. Đội ngũ cán bộ, nhân viên không ngừng học tập, bổ sung kiến thức, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, kỹ thuật mới vào công tác chuyên môn… với mục tiêu hàng đầu là nâng cao hiệu quả điều trị và an toàn cho người bệnh.
Theo TS.Cao Hưng Thái -Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong thời gian vừa qua, công tác y tế nói chung và công tác khám chữa bệnh nói riêngđã thu được những kết quả hết sức quan trọng, có sự tiến bộ rõ rệt và người dân cũng đã bắt đầu hài lòng hơn với ngành y tế. Trong đó, lĩnh vực dược có vai trò rất to lớn.Từ vấn đề cung ứng đủ thuốc có chất lượng, đáp ứng nhu cầu điều trị đến vấn đề sử dụng thuốc hợp lý hiệu quả.Đóng góp lớn cho chất lượng điều trị, cứu sống người bệnh và thêm vào đó là giảm chi phí cho người bệnh, xã hội.
Đảm bảo an toàn trong việc sử dụng thuốc cho bệnh nhi
Với chủ đề: “Thực hành dược bệnh viện tại các cơ sở khám chữa bệnh nhi khoa”, phiên thảo luận đầu tiên thu hút được nhiều bài báo cáo khoa học.
Trong bài báo cáo “Đặc thù hoạt động dược tại bệnh viện chuyên khoa Nhi”, TS.DS Nguyễn Thị Hồng Hà- Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ em không chỉ là người lớn thu nhỏ. Do đó, để đảm bảo an toàn trong việc sử dụng thuốc cho bệnh nhi, các hoạt động pha chế thuốc tại các bệnh viện cần có quy định, hành lang pháp lý và quy trình kỹ thuật.
Bên cạnh đó, phải phát triển các cơ sở đào tạo thực hành lâm sàng chuyên sâu và đào tạo liên tục vềnhi khoa cũng như cần có những chính sách riêng đối với việc cung cấp dịch vụ dược phẩm cho trẻ em.
Các ý kiến đều tập trung làm rõ và chia sẻ sâu hơn về những lưu ý trong các hoạt động pha chế, sử dụng thuốc cho trẻ em, cũng như các hoạt động quản lý, bảo quản và cấp phát thuốc.
Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Bình- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Dược Hà Nội bày tỏ nỗi lo về nguy cơ phơi nhiễm nghề nghiệp với thuốc độc hại.
“Nguy cơ tác động tới sức khỏe của thuốc độc hại chịu ảnh hưởng bởi mức độ phơi nhiễm, hoạt lực và độc tính của thuốc.Nhân viên y tế có các loại phơi nhiễm khác nhau, phụ thuộc vào công việc của họ (kỹ thuật viên dược phơi nhiễm khi chuẩn bị thuốc, còn y tá phơi nhiễm khi thực hiện thuốc hoặc xử lý chất thải của bệnh nhân). Tuy nhiên, phơi nhiễm cũng có thể xảy ra khi làm việc trong môi trường có nồng độ cao hóa trị liệu”, GS Bình cho biết.
Tăng cường công tác sử dụng kháng sinh an toàn trong tương lai
Hiện tượng kháng kháng sinh xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn có khả năng tạo ra cách chống lại thuốc kháng sinh làm cho kháng sinh không thể tiêu diệt hoặc ngăn chặn được sự phát triển của chúng. Điều này đặt ra sự cấp thiết trong việc quản lý, sử dụng kháng sinh an toàn cho trẻ em tại các bệnh viện.
TS.BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương đã trình bày mối liên quan mật thiết giữa nhiễm khuẩn bệnh viện gắn liền với nhiễm vi khuẩn đa kháng và siêu kháng kháng sinh.
Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi Trung ương, với thực trạng tiếp nhận bệnh nhi từ tất cả các tuyến cho thấy, người bệnh có nguy cơ rất cao nhiễm khuẩn mắc phải trong bệnh viện. Điều này đồng nghĩa với việc các bệnh viện tuyến trên là môi trường “nuôi dưỡng” các tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện- là các vi khuẩn đa kháng, siêu kháng với kháng sinh.
Qua các kết quả giám sát thường quy tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bằng các nỗ lực phòng ngừa, nhiễm khuẩn bệnh viện đang được kiểm soát. Tuy nhiên, còn nhiễm khuẩn bệnh viện, nghĩa là còn duy trì môi trường cho các tác nhân đa kháng và siêu kháng kháng sinh.
“Quản lý sử dụng kháng sinh, phối hợp với phòng ngừa kiểm soát nhiễm khuẩn là giải pháp căn cơ phòng ngừa lan tràn và hạn chế tác hại của vi khuẩn đa kháng, siêu kháng kháng sinh trong bệnh viện”, TS Ngãi nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Ths.DS Phạm Thu Hà đã trình bày về các hoạt động của Ban quản lý kháng sinh như việc xây dựng các hướng dẫn sử dụng kháng sinh, thực hiện các can thiệp rộng rãi và các can thiệp xem xét sử dụng trên một số bệnh thông thường như viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, dự phòng phẫu thuật…
Hội nghị còn có sự đóng góp các báo cáo khoa học đến từ các bệnh viện khác như: Bệnh viện Nhi Đồng 1; Bệnh viện đa khoa Vinmec; Bệnh viện trẻ em Hải Phòng,…làm phong phú thêm các nội dung về hoạt động dược bệnh viện.
Trong khuôn khổ của hội nghị, các báo cáo viên cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác sử dụng kháng sinh an toàn trong tương lai, không chỉ đối với việc điều trị tại cơ sở y tế, mà còn giáo dục cộng đồng về tình trạng đề kháng và hệ quả của việc lạm dụng kháng sinh đến sức khỏe của trẻ nhỏ.
Sau quá trình theo dõi công tác khám, chữa bệnh và công tác dược tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Bệnh viện Nhi Trung ương, nhất là trong vấn đề cung ứng thuốc trong khám và điều trị bệnh. Tổ chức các hoạt động về công tác sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, công tác dược lâm sàng và các vấn đề nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm.
Phát biểu kết thúc hội nghị, PGS.TS Trần Minh Điển- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, qua các bài báo cáo khoa học cho thấy, mô hình công tác dược đã được đảm bảo tốt, tuân thủ quy định theo pháp luật và quy định của Bộ Y tế. Chúng ta đã thấy được vai trò của dược sĩ đã ngày một thay đổi trong công tác khám chữa bệnh.
Hội nghị Dược Bệnh viện Nhi Trung ương lần này là diễn đàn để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các cán bộ y tế làm việc trong ngành y nói chung, và ngành dược nói riêng, hướng tới mục tiêu chung đó là phát triển toàn diện, nâng tầm chất lượng trong công tác điều trị và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em Việt Nam.
Một vài hình ảnh tại Hội nghị:
Huyền Anh