Trong hai ngày làm việc tích cực, 176 thành viên tham gia hội thảo bao gồm các Thầy Cô là Trưởng, Phó, Điều dưỡng/Kỹ thuật viên trưởng các khoa/phòng của bệnh viện Nhi Trung ương đã được cung cấp nhiều thông tin bổ ích cùng những chủ đề thiết thực, cụ thể: Thực trạng công tác đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe tại Việt Nam giai đoạn 2006 – 2017; Cách tiếp cận và lộ trình đổi mới trong đào tạo chuyên khoa tại Việt Nam; Định hướng đổi mới và đề xuất yêu cầu chuẩn năng lực của bác sỹ, điều dưỡng chuyên khoa Nhi; Chương trình đào tạo bác sỹ, điều dưỡng chuyên khoa Nhi tại Vương quốc Anh và triển vọng áp dụng tại Việt Nam; … dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các chuyên gia từ Tổ chức Newborn – Vương quốc Anh; Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế; Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhi Trung ương.
“Bước đầu công tác đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe tại Việt Nam đã có sự gia tăng nhanh chóng về số lượng với 43 cơ sở đào tạo y khoa bậc đại học (18 cơ sở tư thục). Số lượng sinh viên đại học khối ngành sức khỏe tốt nghiệp ra trường giai đoạn 2006 – 2017 tăng gấp 4 lần đã đáp ứng một phần nhu cầu theo xu hướng gia tăng dân số và nhu câu phát triển của xã hội… Bộ Y tế cũng đã triển khai một loạt các giải pháp: Chế độ ưu tiên cho các vùng khó khăn (cử tuyển, theo địa chỉ, liên thông); Chế độ lương ưu đãi; Chỉ đạo tuyến; Đề án 1816; một bệnh viện trung ương cung cấp dịch vụ tư vấn/chuyển giao kỹ thuật cho địa phương;…” – PGS.TS Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Cục Khoa học và Công nghệ Đào tạo – Bộ Y tế cho biết.
“Bên cạnh những kết quả bước đầu đáng khích lệ là những thách thức, quan ngại: Các trường ngoài công lập gia tăng số lượng tuyển sinh cao hơn các trường truyền thống; trong khi 3 yếu tố gia tăng (quy mô, tuyển sinh, hình thức) chưa kiểm soát được đầu ra…” – TS.Bs Lê Kiến Ngãi, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo – Viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) giãi bày.
Hội thảo cũng đã giới thiệu một số cách tiếp cận mới, bao gồm: xây dựng chuẩn năng lực và nội dung chương trình đào tạo giảng viên lâm sàng (giáo dục y khoa dựa trên năng lực, lượng giá 360 độ, dạy – học tích cực,…). “Những phương pháp, cách tiếp cận này đang được triển khai và bước đầu ghi nhận những phản hồi tích cực từ phía giảng viên, học viên và các cán bộ quản lý tại trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh” – PGS.TS Vũ Minh Phúc, Chủ nhiệm Bộ môn Nhi hào hứng cho biết.
Kết thúc hội thảo, TS.Bs Nguyễn Minh Lợi – Phó Cục trưởng Cục khoa học Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế đã chỉ đạo, kết luận và nhấn mạnh những giải pháp dưới đây cần được đưa vào các văn bản pháp lý/chính sách mới hoặc được lồng ghép vào các qui định hiện hành, cụ thể như sau:
1. Phân định rõ 2 hướng đào tạo để hình thành năng lực nghiên cứu (academic) và năng lực hành nghề (professional) trong khám, chữa bệnh để xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đáp ứng với nhu cầu thực tế.
2. Quy định về cơ chế phối hợp điều kiện và thực hành trong đào tạo khối ngành khoa học sức khoẻ.
3. Xây dựng và ban hành các chuẩn quốc gia về năng lực đầu ra cho nhân lực y tế nhằm thúc đẩy, yêu cầu các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình phù hợp.
4. Chuẩn hóa mô hình đào tạo phù hợp với khung trình độ quốc gia và hội nhập quốc tế, công nhận đặc thù đào tạo nhân lực y tế.
5. Kỳ thi quốc gia cho chứng chỉ hành nghề:
- Xây dựng các chương trình đào tạo chuyên khoa chuẩn mực
- Phát triển chương trình từ đào tạo thiên về cung cấp kiến thức thành đào tạo tạo ra năng lực giải quyết được các vấn đề cơ bản.
6. Giải pháp cho số lượng, chất lượng nguồn nhân lực y tế tuyến cơ sở.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Ban Tổ chức cùng đại diện lãnh đạo các khoa phòng đã chúc mừng GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu và Thực hành Nhi khoa vừa được tín nhiệm giới thiệu là Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Y học, nhiệm kỳ 2019 – 2024 (Quyết định số: 19/QĐ-HĐGSNN, ngày 06/6/2019 của Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước) |
Mạnh Hùng – Phòng Truyền thông và chăm sóc khách hàng
Ảnh: Minh Hạnh