Số trẻ sinh non những năm gần đây tại Việt Nam có dấu hiệu gia tăng, hiện tại đã chạm tỷ lệ khoảng 7% – Tương ứng mỗi năm cả nước có khoảng 100.000 – 110.000 trẻ sinh non ra đời. Ngày 21/10/2021 tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã diễn ra buổi Hội thảo khoa học trực tuyến Tầm quan trọng của dinh dưỡng tĩnh mạch cho trẻ sinh non nhằm nâng cao năng lực chăm sóc trẻ sinh non, đem lại cơ hội tăng trưởng và phát triển thần kinh – nhận thức tối ưu nhất cho trẻ sinh non thông qua việc cung cấp các dưỡng chất sớm ngay sau đẻ.
Chương trình được phối hợp tổ chức bởi Bệnh viện Nhi Trung ương và Công ty Fresenius Kabi Việt Nam. Fresenius Kabi là công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu, thuộc tập đoàn Fresenius đến từ Đức, chuyên sâu về thuốc thiết yếu, công nghệ dịch truyền, và đặc biệt là lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng với các sản phẩm về nuôi dưỡng đường tĩnh mạch như đạm, lipid, túi kết hợp 2 ngăn, 3 ngăn.
Tham dự buổi Hội thảo khoa học trực tuyến có PGS. TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (Chủ tọa); BSCKII Lê Thị Hà – Giám đốc Trung tâm Sơ sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương; ThS. BS. Nguyễn Thúy Hằng – Trưởng khoa Điều trị và chăm sóc đặc biệt 2, Trung tâm Sơ sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương; TS. DS Nguyễn Thị Hồng Hà – Trưởng Khoa Dược – Bệnh viện Nhi Trung ương. Đặc biệt là sự tham gia trực tuyến của hơn 320 bác sĩ Nhi khoa của các tỉnh khu vực phía Bắc cùng theo dõi trực tuyến.
Trẻ sinh non, nhẹ cân cần được cung cấp dưỡng chất sớm để đảm bảo phát triển đầy đủ thần kinh – nhận thức
Phát biểu mở màn Hội thảo, PGS. TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nêu rõ: Trẻ sinh non, nhẹ cân không có cơ hội tăng trưởng và phát triển đầy đủ trong tử cung nên có những đặc điểm sinh lí khác với trẻ đủ tháng, các hệ cơ quan chưa trưởng thành, trong đó có hệ tiêu hóa với các hoạt động chức năng chưa hoàn thiện như trẻ đủ tháng. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nguyên nhân chậm tăng trưởng sau sinh của trẻ sinh non được xác định chủ yếu do thiếu cung cấp protein. Vì thế, các chiến lược dinh dưỡng tăng cường protein cho trẻ sinh non – nhẹ cân đã đạt được các hiệu quả rõ rệt trong cải thiện phát triển thần kinh – nhận thức ở trẻ.
Cùng với đó, dinh dưỡng cho trẻ sinh non – nhẹ cân cũng gặp nhiều nhiều thách thức, như: dự trữ hạn chế, hấp thụ và tiêu hóa kém; nhiều bệnh lí đi kèm nhưng lại cần nhu cầu cao hơn so với trẻ đủ tháng; quá trình thực hành pha chế dung dịch nuôi dưỡng tĩnh mạch cho trẻ như thế nào cho phù hợp cũng đang là thách thức lớn cho các bệnh viện.
Tại hội thảo, các bác sĩ đã được nghe báo cáo: “Sự cần thiết của việc sử dụng đạm sớm trong nuôi dưỡng tĩnh mạch ở trẻ sinh non” của BSCK II Lê Thị Hà – Giám đốc Trung tâm Sơ sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương. Bài báo cáo khẳng định dinh dưỡng tốt và kịp thời là chìa khóa cải thiện tỷ lệ sống sót và chất lượng sống của trẻ sinh non. Đồng thời, cung cấp kiến thức cho các bác sĩ về nhu cầu protein ở trẻ sinh non – nhẹ cân, đáp ứng đủ nhu cầu về protein sớm sau đẻ giúp trẻ đẻ non đuổi kịp đà tăng trưởng gần giống trong tử cung.
Cũng trong buổi Hội thảo, ThS. BS. Nguyễn Thúy Hằng – Trưởng khoa Điều trị và chăm sóc đặc biệt 2, Trung tâm Sơ sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương đã báo cáo về “Cập nhật đồng thuận về nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch ở trẻ sinh non”. Đây là đồng thuận mới được các chuyên gia về nhi sơ sinh trên toàn quốc đồng thuận vào năm 2020 nhằm thống nhất cách kê đơn để nuôi dưỡng tĩnh mạch cho trẻ sơ sinh.
Thực hành pha chế dung dịch nuôi dưỡng tĩnh mạch cho trẻ sinh non cần phù hợp với thể trạng từng trẻ
Để đảm bảo pha chế được dung dịch nuôi dưỡng phù hợp về nhu cầu dinh dưỡng, năng lượng cho trẻ, đảm bảo được chất lượng của dung dịch từ quy trình vô trùng, các bước lưu trữ, theo dõi là rất cần thiết. Nhu cầu năng lượng ở trẻ em khác với người lớn, nhất là trẻ sinh non lại khác với trẻ bình thường. Bài báo cáo “Thực hành pha chế dung dịch nuôi dưỡng tĩnh mạch cho trẻ sinh non” do TS. DS Nguyễn Thị Hồng Hà – Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Nhi Trung ương trình bày đã chia sẻ đầy đủ, hữu ích cho các bác sĩ Nhi khoa cả nước theo dõi trực tuyến về những quy chuẩn pha chế bắt buộc và các lưu ý thay đổi công thức theo nhu cầu của từng trẻ sinh son.
Dược sĩ là người thiết lập công thức theo yêu cầu của bác sĩ để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, thực hành pha chế dung dịch nuôi dưỡng tĩnh mạch cho trẻ sinh non được thực hiện hiện bằng hệ thống pha tự động gồm: Khu vực pha chế tập trung (Khu vực bảo quản, cấp phát, Phòng pha chế vô trùng, Phòng đệm); Hệ thống pha trộn tự động kết hợp sử dụng phần mềm Abacus, được tính toán rất kĩ lưỡng, luôn luôn kiểm soát, đảm bảo an toàn phục vụ công tác điều trị kịp thời nhất và tốt nhất.
Ngoài ra, hội thảo cũng dành nhiều thời gian để thảo luận các vấn đề liên quan đến nội dung bài trình bày cũng như giải đáp thỏa đáng các câu hỏi được đặt ra của các Bác sĩ từ các bệnh viện Sản Nhi trên cả nước thông qua ứng dụng Zoom trực tuyến.
Kết thúc chương trình, PGS. TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện đã tổng kết lại một cách hệ thống các kiến thức được chia sẻ trong buổi Hội thảo, đồng thời khẳng định Bệnh viện Nhi Trung ương luôn sẵn sàng chia sẻ chuyên sâu về kiến thức cũng như quy trình thực hành pha chế dung dịch nuôi dưỡng tĩnh mạch trẻ sinh non cho các Bệnh viện Sản Nhi tuyến dưới để các quý đồng nghiệp có thể tự tin hơn trong chuyên môn chăm sóc trẻ sinh non.
Hội thảo “Tầm quan trọng của dinh dưỡng tĩnh mạch cho trẻ sinh non” diễn ra thành công đã mang lại nhiều thông tin hữu ích, cập nhật những kiến thức mới cho các bác sĩ để nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị trẻ em sinh non tại Việt Nam.
Trà My – Phòng Truyền thông & CSKH
Ảnh: Lê Hiếu