Cần có sự đồng thuận trong chẩn đoán và điều trị bại não để có thể xây dựng được mạng lưới chăm sóc trẻ bại não từ bệnh viện đến cộng đồng và tại mỗi gia đình, điều này sẽ giúp hỗ trợ tốt nhất cho trẻ và cha mẹ có thể yên tâm phối hợp với các bác sĩ, kỹ thuật viên để tiếp tục điều trị cho con mình.
Đó là nhận định của PGS.TS Trần Minh Điển đưa ra tại Hội thảo Bại Não Việt Nam – Australia với chủ đề “Cập nhật xử trí bại não tại Việt Nam” diễn ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tham dự chương trình có:
- TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam.
- TS Phạm Duy Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện
- TS Trần Anh Tôn – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng Monash, Trưởng phái đoàn Australia
- Đinh Thị Lan Anh – Chủ tịch Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam
- Các chuyên gia của Trường Đại học Sydney, Bệnh viện Nhi đồng Monash, Australia
- Các bác sĩ đến từ các bệnh viện nhi, sản nhi, khoa nhi Bệnh viện đa khoa trên toàn quốc.
Bại não là tình trạng bệnh lý gây nên do não bộ bị tổn thương hoặc chậm phát triển, bệnh có thể xuất hiện trước, trong và sau sinh đến 5 tuổi. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các bất thường về vận động ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các rối loạn vận động của bại não thường đi kèm với rối loạn cảm giác, tri giác, nhận thức, giao tiếp, hành vi, động kinh và các vấn đề cơ xương khớp thứ phát. Bại não ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của trẻ và gia đình. Những em bé bị bại não phần lớn chịu thiệt thòi khi tuổi thơ gắn liền với phòng tập, bệnh viện, chịu những đau đớn vì cơ thể co rút, biến dạng. Nhiều em tách biệt với xã hội khi bị tổn thương nặng chỉ có thể nằm một chỗ.
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe ThS. Đinh Thị Lan Anh giới thiệu về Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam và các hoạt động của Hội nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về chứng bại não, cũng như các chương trình hỗ trợ hiệu quả cho gia đình và trẻ trong cuộc sống, giúp giảm nhẹ nỗi đau của cha mẹ, thúc đẩy các chương trình hỗ trợ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, hòa nhập xã hội và hướng nghiệp cho trẻ,…
Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ Australia cũng chia sẻ về Hội Bại não Australia; Mô hình chăm sóc trẻ bại não; Can thiệp sớm hiệu quả như thế nào? Các chuyên gia cho biết, khi tiếp cận trẻ bại não cần có sự tiếp cận toàn diện về thể chất, tâm thần, tinh thần và văn hóa; luôn lấy người bệnh làm trung tâm…Hỗ trợ cá nhân hóa dựa vào độ tuổi, mức độ nghiêm trọng và bệnh đồng mắc. Về việc chẩn đoán sớm và can thiệp sớm cho trẻ bại não, các chuyên gia khuyến cáo rằng trẻ nên được chẩn đoán và can thiệp càng sớm càng tốt. Việc chẩn đoán sớm sẽ giúp trẻ được điều trị sớm. Trước đây, chẩn đoán trẻ bại não được thực hiện khi trẻ 12-24 tháng tuổi, nhưng hiện tại có thể được thực hiện trước 6 tháng tuổi.
Trẻ bại não khi lớn lên và phát triển, các cơ của trẻ sẽ có thể ngắn lại (bị co cứng hoặc cứng khớp) gây ra hiện tượng co rút khớp hoặc cơ. Loạn sản khớp háng thường gặp ở 30% số trẻ bị bại não. Trật khớp háng khiến trẻ bị đau đớn, suy giảm chức năng, gây khó khăn trong sinh hoạt của trẻ. Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Australia và Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã cùng nhau chia sẻ các thông tin hữu ích về Dụng cụ chỉnh hình; Kỹ thuật là dài gân cơ cẳng chân; Theo dõi khớp háng; Can thiệp khớp háng: Như thế nào, khi nào?; Phục hồi chức năng sau phẫu thuật; Chương trình bại não (dựa vào cộng đồng); Phẫu thuật CP tại Bệnh viện Nhi Trung ương, kết quả/thách thức,…nhằm mang đến lộ trình điều trị tốt nhất, giúp trẻ bại não nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sau mỗi phiên khoa học, các đại biểu đã có phần thảo luận sôi nổi và tích cực, gồm những ý kiến, chia sẻ chuyên môn đa dạng nhằm mang đến sự đồng thuận trong việc chẩn đoán, điều trị và các phương pháp hỗ trợ tốt nhất cho trẻ bại não tại Việt Nam.
Phương pháp tiếp cận đa chuyên ngành sẽ cung cấp mô hình chăm sóc y tế tối ưu cho trẻ bại não để kiểm soát các bệnh lý phối hợp cũng như các tổn thương thứ phát. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như Phục hồi chức năng, Thần kinh, Chỉnh hình, Tâm thần, Đông y, các bác sĩ Nhi khoa nói chung và gia đình, xã hội để trẻ bại não có cơ hội hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
Buổi Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp, với những kiến thức đã được cập nhật, chia sẻ bởi các chuyên gia hàng đầu đến từ Australia đã giúp cho đội ngũ thầy thuốc, đặc biệt là các bác sĩ trẻ có thêm kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh, góp phần cùng Bệnh viện và ngành Y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhi bại não.
Thu Hương – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu
(Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương)