Hiện nay, Việt Nam vẫn là một trong 34 quốc gia trên thế giới đang đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng. Theo thống kê của UNICEF, Việt Nam có 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi, trong đó tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa cao gấp 2 lần ở miền đồng bằng. Tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng vẫn rất phổ biến, tỷ lệ thiếu máu chung ở trẻ em dưới 5 tuổi là 28%, ở dân tộc thiểu số là 31 % và 32% ở phụ nữ mang thai. Chỉ 1/4 trẻ em dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn và 59% trẻ được cung cấp chế độ ăn dặm đầy đủ, đa dạng.
Đó là những con số rất đáng báo động về tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em tại Việt Nam hiện nay, đã được PGS.TS Trần Minh Điển – Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cùng các chuyên gia đưa ra tại buổi Hội thảo chuyên gia Việt Nam – Nhật Bản với chủ đề “Dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời”, diễn ra ngày 30/9 vừa qua.
Hội thảo do Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp cùng Hội Nhi khoa Việt Nam, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Công ty cổ phần Asahi Group Foods và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức, với diễn giả là các chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng của Việt Nam và Nhật Bản.
Đây là một diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan hoạch định chính sách, các chuyên gia dinh dưỡng, nhà khoa học của Việt Nam và Nhật Bản để cung cấp thêm luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam. Đồng thời cũng là một trong chuỗi các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, từ đó thắt chặt hơn mối quan hệ hữu nghị thông qua hợp tác trong lĩnh vực y học và nghiên cứu khoa học.
1.000 ngày đầu tiên từ khi thụ thai đến 2 tuổi là “thời gian vàng” để thiết lập nền tảng sức khỏe cho trẻ
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh: Mặc dù đã có nhiều cố gắng của cả hệ thống và có những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trong những thập kỷ gần đây, tuy nhiên Việt Nam vẫn là một trong 34 quốc gia trên thế giới đang đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng. Hiện chúng ta chưa có hướng dẫn đầy đủ về chế độ ăn cho phụ nữ có thai và bà mẹ nuôi con bú mang tính hệ thống; bà mẹ và những người chăm sóc còn thiếu kiến thức đúng đắn về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; các nhân viên y tế cũng chưa coi trọng lĩnh vực dinh dưỡng trong quá trình khám chữa bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Trong khi đó, dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Trẻ em được nuôi dưỡng tốt sẽ có khả năng phát triển và học tập tốt hơn, đồng thời tăng khả năng đề kháng với bệnh tật và các vấn đề sức khỏe. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 1.000 ngày đầu tiên từ khi thụ thai đến sinh nhật 2 tuổi là khoảng thời gian đặc biệt để thiết lập nền tảng cho sức khỏe, sự trưởng thành, ngăn ngừa tình trạng và hậu quả của thiếu dinh dưỡng.
Chính vì vậy, PGS.TS Trần Minh Điển bày tỏ mong muốn rằng các ngành công nghiệp, chính phủ, các nhà khoa học, các chuyên gia ở Việt Nam và Nhật Bản sẽ cùng nhau hợp tác để cải thiện hơn nữa tình trạng dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu tiên, giúp cải thiện sức khỏe bà mẹ và thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ tại Việt Nam.
Thực trạng chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam và các khuyến nghị của chuyên gia Nhật Bản
Qua 7 bài báo cáo được trình bày tại Hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu đến các đại biểu thông tin về tình trạng thực hành chăm sóc dinh dưỡng ở trẻ em dưới 2 tuổi và bà mẹ ở một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam; Thực trạng và các vấn đề về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời tại một số tỉnh phía Nam Việt Nam; Các phương thức và thực trạng hướng đến chiến lược 1.000 ngày đầu đời tại Việt Nam; Hướng dẫn hỗ trợ cho con bú và ăn dặm của Nhật Bản; Phát triển chức năng ăn uống và khuyến nghị về thực phẩm ăn dặm,….
Theo đó, tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, sai lầm phổ biến nhất của các mẹ là cho trẻ ăn dặm, uống nước trắng và các loại nước khác quá sớm, chế độ ăn không đầy đủ dinh dưỡng, việc thực hành cho trẻ bú mẹ sớm và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu còn chưa tốt dù đã có nhiều cải thiện so với trước đây,…
Đồng thời, các chuyên gia cũng cảnh báo thiếu sắt cao nằm ở nhóm trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu mà mẹ không được bổ sung sắt. Trẻ uống sữa công nghiệp quá nhiều trên 600ml/ngày, kém ăn cũng có nguy cơ thiếu sắt cao hơn. Tại các tỉnh phía Nam, lứa tuổi có tỷ lệ thiếu máu, thiếu sắt cao nhất là từ 12 – 24 tháng tuổi. Bên cạnh đó, tỷ lệ béo phì ở trẻ em tại TP.Hồ Chí Minh đang ngày càng tăng cao cũng là 1 vấn đề rất đáng báo động.
Trước thực trạng về vấn đề dinh dưỡng tại Việt Nam hiện nay, các chuyên gia dinh dưỡng Nhật Bản cho biết quan điểm cơ bản về vấn đề hỗ trợ ăn dặm là hỗ trợ thúc đẩy sự tự lập trong ăn uống của trẻ, dựa trên việc tôn trọng sự khác biệt cá nhân của từng đứa trẻ, tạo nền tảng cho thói quen ăn uống lành mạnh, hỗ trợ hình thành mối quan hệ lành mạnh giữa con cái và cha mẹ. Thêm vào đó, vấn đề giáo dục ăn uống cũng rất cần được chú trọng, một trong những mục tiêu của giáo dục ăn uống là tăng tỷ lệ người dân ăn chậm, nhai kỹ. Bởi nhai kỹ giúp kích thích phát triển não bộ ở trẻ, tăng lưu lượng máu não, làm tiết nước bọt, kích thích dịch tiêu hóa, tạo cảm giác no và ngăn ngừa béo phì. Việc phát triển kỹ năng nhai cần phải phù hợp với sự tăng trưởng, phát triển của từng trẻ nhỏ.
Thảo luận để cùng tìm ra sự đồng thuận về việc xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hành dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời tại Việt Nam
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 19%; tỷ lệ trẻ thiếu cân dưới 10,5%, tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai xuống dưới 20%. Về cải thiện thực hành chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, đến năm 2030, chương trình đặt mục tiêu 85% bà mẹ thực hành đúng nuôi con bằng sữa mẹ, 30% bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, 70% nuôi con bằng sữa mẹ đến 24 tháng, 80% thực hành nuôi con bằng sữa mẹ phù hợp.
Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố để đạt được mục tiêu trên là việc xây dựng được tài liệu hướng dẫn thực hành dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời tại Việt Nam. Tài liệu này được xây dựng dựa trên tính kế thừa các hướng dẫn của WHO, Bộ Y tế và tham khảo mô hình về chăm sóc cho bà mẹ và trẻ em của Nhật Bản, có giá trị liên quan đến thực tiễn và cá thể hóa ở mỗi trẻ, đồng thời hướng dẫn đó phải liên quan đến tính đa dạng của các vùng miền, địa lý và dân tộc.
Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị Hệ thống làm chính sách của Bộ Y tế sẽ cùng xem xét lồng ghép hướng dẫn này vào các chương trình mục tiêu quốc gia. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, sự kết nối của Hội Nhi khoa, Hội Sản khoa, Hội Dinh dưỡng Việt Nam và đặc biệt là các trường đại học, các chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng hướng dẫn và cách thức triển khai thực hiện trên toàn quốc, hướng đến cộng đồng. Đồng thời, các chuyên gia của Việt Nam cũng mong muốn có sự hỗ trợ của JICA, Đại sứ quán Nhật Bản và các đơn vị đồng hành, hỗ trợ cụ thể cho chương trình từ vấn đề xây dựng, đến triển khai và tạo nhận thức cho bà mẹ và nhân viên y tế trong thời gian tới.
Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương